Hậu quả Mùa xuân Praha

Đài tưởng niệm những nạn nhân của cuộc xâm lược, tại Liberec

Ngày 27/08/1968, Alexander Dubcek được cho về Praha để áp dụng các thỏa thuận với Moscow[31]. Tháng 4 năm 1969, Dubček bị thay thế khỏi chức vụ Bí thư thứ nhất bởi Gustáv Husák, và một giai đoạn "bình thường hóa" bắt đầu.[56] Sau khi rời chức vụ cao nhất trong Đảng, ông vẫn làm chủ tịch nghị viện Liên bang, rồi bị giáng xuống làm đại sứ Tiệp Khắc ở Thổ Nhĩ Kỳ[31]. Năm 1970, Dubcek bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Tiệp Khắc và được trao cho một công việc tại sở kiểm lâm.[14][57]

Husák đã đảo ngược các biện pháp cải cách của Dubček, thanh trừng các thành viên tự do trong đảng, và loại bỏ khỏi các văn phòng nhà nước các cá nhân chuyên môn và trí thức đã công khai thể hiện sự bất bình với sự chuyển tiếp chính trị.[58] Husák tái lập quyền lực của cảnh sát và tăng cường quan hệ với các quốc gia xã hội chủ nghĩa khác. Ông cũng tìm cách tái tập trung hoá nền kinh tế, bởi một số lượng lớn các quyền tự do đã được trao cho các ngành công nghiệp trong thời kỳ diễn ra phong trào Mùa xuân Praha.[58] Việc bình luận về chính trị một lần nữa bị ngăn cấm trên truyền thông chính thức và những lời tuyên bố chính trị của bất kỳ ai không được coi là "tin tưởng hoàn toàn về chính trị" đều bị ngăn cấm.[22] Sự thay đổi lớn duy nhất còn tồn tại là việc liên bang hoá đất nước, tạo ra Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa SécCộng hòa Xã hội chủ nghĩa Slovak năm 1969.

Năm 1987, lãnh đạo Liên xô Mikhail Gorbachev thừa nhận rằng các chính sách tự do hoá glasnostperestroika của ông rất giống với "chủ nghĩa xã hội với khuôn mặt người" của Dubček.[59] Với sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội năm 1989, Dubček trở thành chủ tịch nghị viện liên bang thuộc chính quyền Havel.[60] Khi được hỏi về sự khác biệt giữa Mùa xuân Praha và những cuộc cải cách của Gorbachev, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã trả lời, "Mười chín năm."[61]

Sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ tại Tiệp Khắc trong cuộc Cách mạng Nhung năm 1989, Dubček được bầu làm Chủ tịch Nghị viện Liên bang, chức vụ mà ông giữ tới tận tháng 6 năm 1992. Cuối cùng ông lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Slovakia, và phát biểu chống lại việc giải tán Tiệp Khắc trước khi mất tháng 11 năm 1992.[31]

Sự can thiệp quân sự của Liên Xô đã ngăn được những cải cách ở Tiệp Khắc nhưng cũng gây chia rẽ nghiêm trọng phong trào cộng sản châu Âu và trên toàn thế giới. Ở Romania, Nicolae Ceaușescu không chỉ lên đài phê phán mạnh Liên Xô mà còn kêu gọi người dân Tiệp Khắc đấu tranh vũ trang để kháng cự Moscow. Trung Quốc gọi Liên Xô là Đế quốc Xô viết. Thủ tướng Trung Quốc, Chu Ân Lai phê phán Kremlin gay gắt và gợi ý người Tiệp mở cuộc chiến du kích chống lại quân đội chiếm đóng còn đài báo Liên Xô công khai nói Trung Quốc phản bội 'chủ nghĩa xã hội thực thụ'. Mao Trạch Đông lo sợ Liên Xô dùng Học thuyết Brezhnev để đưa quân vào Trung Quốc theo yêu cầu của một bè phái nào đó trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hai nước triển khai hàng trăm nghìn quân ở biên giới Trung Xô. Albania rút luôn khỏi Khối Hiệp ước Warszawa vì coi nó chỉ là công cụ của Kremlin. Các đảng cộng sản Pháp, Ý, Phần Lan, Tây Ban Nha, Hy Lạp hoặc phản đối Liên Xô hoặc bị chia rẽ nghiêm trọng. Đảng Cộng sản Mỹ cũng bị chia rẽ nghiêm trọng sau sự kiện này. Nhiều trí thức cánh tả vỡ mộng với Liên Xô. Jean-Paul Sartre, trí thức thiên tả hàng đầu của Pháp, hoàn toàn đoạn tuyệt với đường lối của Liên Xô và dành trí tuệ của mình cho "giới trẻ cách mạng ở Pháp". Những người cộng sản trẻ xoay sang ủng hộ mô hình 'Cộng sản châu Âu' (Eurocommunism) cho rằng cần đi lên chủ nghĩa xã hội 'trong hòa bình, đa nguyên'. Đây là sự bác bỏ nền chuyên chính vô sản của Lenin để trở về với chủ trương đấu tranh nghị trường của phong trào xã hội chủ nghĩa theo Quốc tế II từng được Friedrich Engels ủng hộ. Chủ nghĩa cộng sản theo mô hình Liên Xô ở châu Âu đã bị chính Brezhnev làm mất uy tín nhiều thập niên trước khi Liên Xô tan rã.[31]

Dấu ấn văn hoá

Mùa xuân Praha càng làm vỡ mộng nhiều người cánh tả ở phương Tây có quan điểm Mác-Lenin. Nó góp phần vào sự phát triển của các ý tưởng chủ nghĩa Cộng sản Tây Âu trong các đảng cộng sản phương Tây, tìm cách tách xa khỏi Liên xô, và cuối cùng dẫn tới sự giải tán nhiều nhóm trong số đó.[62]Một thập kỷ sau, một giai đoạn tự do hóa chính trị của Trung Quốc được gọi là Mùa xuân Bắc Kinh. Nó cũng một phần gây ảnh hưởng tới phong trào Mùa xuân Croatia tại Nam Tư.[63] Trong một cuộc nghiên cứu năm 1993 tại Séc, 60% người tham gia có một ký ức cá nhân liên quan tới Mùa xuân Praha trong khi 30% người khác quen thuộc với các sự kiện ở một số hình thức khác.[64]

Sự kiện này đã được đề cập trong âm nhạc đại chúng, gồm bài hát của Karel Kryl, Luboš Fišer Requiem,[65]Music for Prague 1968 của Karel Husa.[66] "They Can't Stop The Spring", một bài hát của nhà báo và nghệ sĩ sáng tác người Ireland John Waters, đã đại diện cho Ireland tại Eurovision Song Contest năm 2007. Waters đã miêu tả nó là "một kiểu chào mừng của người Celtic với các cuộc cách mạng Đông Âu và những kết quả của nó", trích dẫn câu nói được cho là của Dubček: "Họ có thể dẫm đạp hoa, nhưng họ không thể ngăn cản mùa xuân."[67]

Mùa xuân Praha cũng xuất hiện trong văn học. Milan Kundera đã nghiền ngẫm tác phẩm The Unbearable Lightness of Being của mình trong thời gian diễn ra phong trào Mùa xuân Praha. Nó đi theo những tác động của sự hiện diện ngày càng tăng của Liên xô và sự kiểm soát cảnh sát độc tài với dân chúng.[68] Một bộ phim chuyển thể vào năm 1988.[69] Những người giải phóng, của Viktor Suvorov, là một miêu tả của một chứng nhân về cuộc xâm lược Tiệp Khắc năm 1968, từ quan điểm của một sĩ quan xe tăng Liên xô.[70] Rock 'n' Roll, một vở kịch của nhà soạn kịch Tom Stoppard, có đề cập đến Mùa xuân Praha, cũng như cuộc Cách mạng Nhung năm 1989.[71]Heda Margolius Kovály cũng chấm dứt cuốn hồi ký của mình Under a Cruel Star với một lời đề cập tới Mùa xuân Praha và cuộc xâm lược sau đó, và những cảm nhận của bà về các sự kiện đó.[72]

Ngoài chuyển thể kịch bản phim của tác phẩm The Unbearable Lightness of Being, cũng có một bộ phim Pelíšky của đạo diễn Jan Hřebejk và tác giả kịch bản Petr Jarchovský, thể hiện các sự kiện của Mùa xuân Praha, dù nó nói nhiều hơn về giai đoạn bình thường hoá.[73] Bộ phim âm nhạc Séc, Những kẻ nổi loạn của Filip Renč, cũng thể hiện các sự kiện và cuộc xâm lược sau đó cũng như làn sóng di cư.[73]

Số 68 đã trở thành biểu tượng tại Tiệp Khắc cũ. Vận động viên Hockey Jaromír Jágr mặc số này bởi tầm quan trọng của nó trong lịch sử Tiệp Khắc.[74][75] Một nhà xuất bản cũ có trụ sở tại Toronto, 68 Publishers, xuất bản những cuốn sách của các tác gia người Séc và Slovak đang sống lưu vong, lấy tên theo sự kiện đó.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mùa xuân Praha http://books.google.ca/books?id=4eSR1rHg5_YC&dq=%C... http://books.google.ca/books?id=fWIEzbnmF6YC&dq=pr... http://www.bruceduffie.com/husa.html http://www.country-studies.com/czech-republic/the-... http://books.google.com/books?id=EEBkON-ySQUC&pg=P... http://www.imdb.com/title/tt0096332/ http://query.nytimes.com/gst/fullpage.html?res=9B0... http://query.nytimes.com/gst/fullpage.html?res=9C0... http://www.photius.com/countries/slovakia/economy/... http://www.prague-life.com/prague/prague-spring